Bệnh van tim là tình trạng một hoặc nhiều van tim bị ảnh hưởng chức năng hoạt động, khiến việc lưu thông máu không thể diễn ra như bình thường. Nếu không được điều trị, bệnh van tim có thể làm giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Các van tim (gồm van 2 lá, van 3 lá, van động mạch phổi, van động mạch chủ) nằm ở lối ra của 4 buồng tim, có nhiệm vụ duy trì dòng máu một chiều qua tim. Bốn van tim đảm bảo rằng máu luôn chảy tự do theo hướng thuận, không rò rỉ theo chiều ngược lại.
Mỗi van tim có các cánh (lá van) mở, đóng một lần trong mỗi nhịp tim. Nếu một hoặc nhiều van không mở, đóng đúng cách, dòng máu qua tim đến cơ thể sẽ bị gián đoạn, gây ra bệnh lý van tim.
Bệnh van tim có thể xuất hiện ngay từ khi mới sinh (bẩm sinh) hoặc xảy ra ở người trưởng thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như tình trạng nhiễm trùng và các bệnh tim mạch khác.
Các bệnh van tim thường gặp, bao gồm:
Hẹp van tim: bệnh lý này xảy ra khi van tim không mở hoàn toàn do các lá van cứng hoặc dính nhau. Khe hở bị thu hẹp là nguyên nhân khiến tim hoạt động rất khó khăn để bơm máu qua đó, lâu ngày dẫn đến suy tim, các biến chứng nghiêm trọng khác. Tất cả 4 van tim đều có thể phát triển chứng hẹp van với các tên gọi: hẹp van 2 lá, hẹp van 3 lá, hẹp van động mạch phổi, hẹp van động mạch chủ.

Hở van tim: còn có tên gọi khác là “trào ngược van tim”, hở van tim là tình trạng một van không đóng chặt, khiến một lượng máu bị rò rỉ ngược lại qua van. Khi hiện tượng rò rỉ trở nên trầm trọng hơn, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp cho van bị rò rỉ, đồng thời máu có thể chảy đến phần còn lại của cơ thể ít hơn. Tùy thuộc vào van nào bị ảnh hưởng, tình trạng này được gọi là hở van 2 lá, hở van 3 lá, hở van động mạch phổi hoặc hở van động mạch chủ.
Hẹp hở van phối hợp: như hẹp hở van 2 lá, hẹp hở van động mạch chủ… do kết hợp giữa tổn thương hẹp và hở van.

Khi van tim bị tổn thương, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ số lượng máu mà cơ thể cần. Khi đó, cơ tim có thể dày lên hoặc giãn ra làm cho tim to ra. Điều này kéo dài lâu ngày làm giảm khả năng co bóp của tim và dẫn đến suy tim, loạn nhịp tim.
Ngoài ra, các bệnh van tim còn làm máu bị ứ lại tại tim, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc mạch, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Yếu tố nguy cơ của bệnh
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh van tim là tuổi tác. Đến tuổi trung niên, nhiều người bị hở van tim do van bị thoái hóa tự nhiên; tiền sử sa van 2 lá, mắc các bệnh lý nhiễm trùng; thiếu máu cơ tim hay nhồi máu cơ tim; tiền sử tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường, có các yếu tố nguy cơ bệnh tim khác; bị bệnh tim bẩm sinh.

Các triệu chứng của bệnh van tim
Khó thở: tình trạng này thường xuyên xảy ra ngay cả khi người bệnh nằm nghỉ ngơi, khiến họ phải kê cao gối khi ngủ để dễ thở hơn.
Suy nhược hoặc chóng mặt: người bệnh không đủ sức để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Đôi lúc, họ cảm thấy xây xẩm, choáng váng đến mức bất tỉnh.
Khó chịu ở ngực: người bệnh cảm thấy có áp lực hoặc sức nặng trong ngực khi hoạt động hoặc khi gặp phải không khí lạnh.
Đánh trống ngực: triệu chứng này khiến người bệnh cảm thấy như nhịp tim nhanh, nhịp tim không đều, nhịp bị bỏ qua hoặc cảm giác tim đập lộn xộn trong lồng ngực.
Sưng mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng (chứng phù nề).
Tăng cân nhanh chóng: người bệnh có thể tăng hơn 1kg chỉ trong một ngày.

Để chẩn đoán bệnh van tim, trước tiên, bác sĩ sẽ khám tổng quát, hỏi về tiền sử bệnh lý cũng như tiền sử gia đình của người bệnh. Một phương pháp rất đơn giản là dùng ống nghe sẽ giúp phát hiện ra tiếng thổi ở tim. Đây là âm thanh do máu di chuyển qua một lỗ hẹp hoặc hở (do chênh lệch áp lực). Nếu nghi ngờ có bệnh lý van tim, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số phương pháp cận lâm sàng phù hợp.